25 thg 9, 2010

Công bố đột phá về "sự sống nhân tạo"

Công bố đột phá về "sự sống nhân tạo"

Các khoa học gia tại Hoa Kỳ đã thành công trong việc phát triển tế bào sống nhân tạo đầu tiên. Các nghiên cứu gia đã xây dựng được vi khuẩn "phần mềm tạo gene" và cấy nó vào một tế bào chủ. Vi khuẩn này sẽ có hình thức và cách hoạt động giống các vi khuẩn được DNA nhân tạo "điều khiển". Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Science và được ca tụng là một cột mốc khoa học quan trọng. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói mô hình này tiềm ẩn những nguy hại. Các nghiên cứu gia hy vọng cuối cùng sẽ tạo được các tế bào vi khuẩn có khả năng chữa bệnh, tạo nhiên liệu hay thậm chí hấp thụ được khí thải nhà kính.

Nhóm nghiên cứu do Tiến Sỹ Craig Venter của Học Viện J Craig Venter Institute (JCVI) tại Maryland và California dẫn dắt. Ông cùng các đồng nghiệp trước đó đã tạo được một bộ gene vi khuẩn nhân tạo và cấy bộ gene của một loại vi khuẩn này vào trong một vi khuẩn khác. Nay các khoa học gia kết hợp cả hai biện pháp lại với nhau, tạo ra cái mà họ gọi là "tế bào nhân tạo" tuy chỉ có bộ gene của tế bào mới thực sự là sản phẩm nhân tạo. Các nhà nghiên cứu sao chép bộ gene vi khuẩn sẵn có, xếp nối mã gene của nó rồi sử dụng "máy nhân tạo" để tạo bản sao nhờ phương pháp hóa học.

"Cuộc cách mạng công nghiệp mới"

Tiến sỹ Venter cùng các đồng nghiệp hy vọng rồi đây họ sẽ cho ra được các vi khuẩn mới, phục vụ các mục đích hữu ích. Họ nói sẵn sàng hợp tác với các hãng dược phẩm và các hãng năng lượng để thiết kế, phát triển các nhiễm sắc thể vi khuẩn có thể tạo ra năng lượng hữu ích và các vaccine chữa bệnh mới. Tuy nhiên, phe chỉ trích nói các lợi ích có thể có từ việc này thực ra đã được thổi phồng.

Tiến sỹ Helen Wallace từ Genewatch UK, một tổ chức chuyên giám sát các hoạt động phát triển công nghệ gene, nói với BBC News rằng vi khuẩn nhân tạo có thể sẽ nguy hiểm. Bà nói: "Nếu quý vị đưa các sinh vật, thành tố mới vào môi trường thì quý vị rất có thể đã gây hại nhiều hơn đem lại lợi ích." "Với việc đưa chúng vào các khu vực ô nhiễm [để mong chúng dọn sạch] thì thực ra quý vị đang đưa vào một loại ô nhiễm mới." "Chúng ta không biết là các sinh vật đó sẽ hoạt động ra sao trong môi trường."

Tiến sỹ Gos Micklem, khoa học gia chuyên nghiên cứu về gene từ trường đại học Cambridge nói kết quả này "không nghi ngờ gì, chính là một mốc to lớn" trong công tác nghiên cứu. Nhưng ông nói: "Hiện đã có những công nghệ đơn giản, tiết kiệm chi phí và đã được nghiên cứu thấu đáo về gene. Do đó, vào lúc này, cách tiếp cận mới ít có khả năng thay thế các biện pháp đã có trong ngành nghiên cứu gene."

Các tranh cãi quanh vấn đề đạo đức của việc cho ra đời sống nhân tạo vẫn đang tiếp diễn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét